Đau là triệu chứng rất thường gặp ở bênh nhân ung thư, đặc biệt ung thư giai đoạn muộn - khi khối u phát triển xâm lấn các tổ chức xung quanh và di căn xa. Việc kiểm soát đau tốt cho bệnh nhân là hoàn toàn có thể nếu bệnh nhân và người nhà hợp tác tốt với các bác sĩ có kinh nghiệm điều trị chăm sóc giảm nhẹ.

Đau do ung thư có nhiều dạng. Nó có thể là âm ỉ, đau nhức, buốt hoặc bỏng rát. Đau có thể liên tục, không liên tục thành từng cơn, từ nhẹ, trung bình hoặc nặng. Mức độ đau mà bệnh nhân cảm thấy phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm loại ung thư, giai đoạn, vị trí của nó và khả năng chịu đau của bệnh nhân.

Hãy nhớ rằng hầu hết các cơn đau do ung thư đều có thể kiểm soát được và việc điều trị đau cho bệnh nhân ung thư là phần rất quan trọng giúp cải thiện chất lượng sống của người bệnh, giảm bớt căng thẳng tâm lý cho gia đình bệnh nhân.

 

Nguyên nhân gây đau trong ung thư

 

Nếu cơn đau là do bản thân ung thư, nó có thể do khối u phát triển làm phá hủy mô lân cận. Khi khối u phát triển, nó có thể đè lên dây thần kinh, xương hoặc các cơ quan. Khối u cũng có thể giải phóng các hóa chất có thể gây đau. Hoặc phản ứng của cơ thể bệnh nhân với các hóa chất có thể gây đau.

Điều trị ung thư có thể giúp giảm đau trong những trường hợp này. Tuy nhiên, các phương pháp điều trị ung thư, bao gồm phẫu thuật, xạ trị và hóa trị, cũng có thể gây đau.

 

Các biện pháp điều trị đau do ung thư

 

Có nhiều cách khác nhau

Một là loại bỏ nguồn gốc của cơn đau thông qua phẫu thuật, hóa trị, xạ trị hoặc điều trị khác.

Nếu các biện pháp trên không giải quyết triệt để được thì có thể kiểm soát cơn đau bằng các thuốc giảm đau. Những loại thuốc này bao gồm:

  • Thuốc giảm đau không cần kê đơn, chẳng hạn như acetaminophen (Tylenol, những loại khác) và ibuprofen
  • Thuốc opioid yếu (có nguồn gốc từ thuốc phiện), chẳng hạn như codeine
  • Thuốc opioid mạnh, chẳng hạn như morphine, oxycodone (Oxycontin) những loại khác), hydromorphone, fentanyl , methadone (Dolophine) hoặc oxymorphone.

Một số loại thuốc đường uống dạng viên nén hoặc dung dịch lỏng. Các loại khác có thể được dùng qua đường tiêm, miếng dán da.

 

 


Các loại thuốc khác được sử dụng để điều trị cơn đau do ung thư là thuốc chống trầm cảm, thuốc chống động kinh và steroid.

Ngoài ra, có những phương pháp điều trị chuyên biệt, chẳng hạn như phong bế thần kinh bằng cách tiêm thuốc tê xung quanh hoặc vào dây thần kinh.

Các liệu pháp khác, chẳng hạn như châm cứu, bấm huyệt, xoa bóp, vật lý trị liệu, thư giãn, thiền và thôi miên, có thể có tác dụng.

 

Một số lý do khiến bệnh nhân ung thư không được điều trị giảm đau tốt

 

Nhiều yếu tố có thể góp phần vào tình trạng này, một số trong số đó bao gồm:

  • Bác sĩ đánh giá không đầy đủ về triệu chứng đau của bệnh nhân ung thư hoặc ít kinh nghiệm về mảng này.
  • Bác sĩ ngại kê đơn morphin vì sợ bệnh nhân lạm dụng thuốc.
  • Bệnh nhân không muốn đề cập triệu chứng đau với bác sĩ và người nhà vì không muốn làm phiền.
  • Bệnh nhân và người nhà sợ “nghiện” thuốc.
  • Bệnh nhân và người nhà sợ tác dụng phụ của thuốc.

 

Tác dụng phụ của điều trị đau do ung thư và các hạn chế

 

Mỗi loại điều trị có tác dụng phụ riêng.

  • Phẫu thuật. Phẫu thuật cắt bỏ ung thư có thể dẫn đến đau ở khu vực phẫu thuật. Phần lớn cơn đau sau phẫu thuật được cho là liên quan đến chấn thương thần kinh xảy ra trong quá trình phẫu thuật. Những người bị cắt bỏ chi hoặc vú có thể cảm thấy đau như thể vẫn còn chi hoặc vú (đau ảo).
  • Xạ trị. có thể gây mẩn đỏ và cảm giác nóng rát trên da. Tùy thuộc vào bộ phận của cơ thể mà bức xạ được áp dụng, nó có thể gây tiêu chảy, lở miệng hoặc các vấn đề khác, chẳng hạn như mệt mỏi.
  • Hóa trị liệu. Các tác dụng phụ có thể bao gồm buồn nôn, mệt mỏi, nhiễm trùng, rụng tóc và đau dây thần kinh (bệnh thần kinh). Thuốc có thể giúp giảm bớt những tác dụng phụ này. Các kỹ thuật thư giãn cũng có thể hữu ích.
  • Thuốc giảm đau mạnh. Một trong những tác dụng phụ phổ biến của opioid là táo bón. Có thể dùng thuốc làm mềm phân và thuốc nhuận tràng để phòng ngừa tác dụng phụ này. Các tác dụng phụ khác của thuốc giảm đau mạnh bao gồm buồn nôn, nôn và buồn ngủ. Những biểu hiện này thường xảy ra với vài liều đầu tiên và hết sau vài ngày dùng thuốc.
  • Thuốc giảm đau khác. Thuốc giảm đau không kê đơn thông thường có thể làm hỏng thận, gây loét hoặc tăng huyết áp. Aspirin có thể gây chảy máu đường tiêu hóa và acetaminophen (Tylenol, những loại khác) có thể gây tổn thương gan nếu uống quá nhiều hoặc uống rượu trong khi dùng.

 

Những điều nên làm để kiểm soát đau tốt cho bệnh nhân ung thư 

 

Người bệnh và gia dình trao đổi với bác sĩ về tình trạng đau của bệnh nhân
Đặt mục tiêu kiểm soát đau và theo dõi đáp ứng của bệnh nhân với điều trị để có điều chỉnh phù hợp.
Cần tham khảo các bác sĩ có kinh nghiệm điều trị giảm đau cho bệnh nhân ung thư trong trường hợp tình trạng đau cải thiện ít dù đã điều chỉnh.


ĐỨC NGUYÊN
 

Thao khảo dịch vụ chăm sóc bệnh nhân tại nhà : https://www.benhvientainha.com/dich-vu-cham-soc-benh-nhan-1